Những điều khó khăn hay gặp đối với các doanh nghiệp startup

Khi đã quyết định startup, lập nghiệp riêng, chắc chắn bạn sẽ phải chấp nhận những rủi ro cũng như thử thách, khó khăn đi kèm. Theo nhiều thống kê, tại Việt Nam, con số doanh nghiệp startup duy trì hoạt động được đến năm thứ 3 là rất ít, thậm chí là khan hiếm. Và con số còn lại thường không duy trì nổi quá 2 năm.

Như vậy, khoan bàn đến nguyên nhân khởi nghiệp thất bại, trong bài viết này chúng tôi muốn đề cập với bạn những khó khăn thường gặp của đại đa số các doanh nghiệp startup để phân tích, tìm hiểu những thách thức này, đồng thời ứng với mỗi khó khăn bạn cũng có thể hình dung ra những biện pháp khắc phục cụ thể.

Những điều khó khăn hay gặp đối với các doanh nghiệp startup

1 – Cạnh tranh về nguồn vốn đầu tư

Một số doanh nghiệp startup ngày nay hoạt động trên cơ sở tích lũy nguồn vốn đầu tư từ các đơn vị đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, số doanh nghiệp startup có nhu cầu gọi vốn đàu tư lại nhiều hơn các nhà đầu tư và đều tiến hành tìm kiếm, thu hút các đối tượng này rót vốn cho mô hình kinh doanh của mình. Điều này đã tạo nên môi trường cạnh tranh lớn và khắc nghiệt cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực.

Khó khăn về nguồn vốn đầu tư

Về phương diện nhà đầu tư, họ cần đảm bảo đồng tiền của mình luôn sinh lời khi rót vào các công ty startup, điều này cũng đồng nghĩa sẽ ít cơ hội hơn cho các doanh nghiệp khi họ không thể thu hút được lượng khách hàng ban đầu sau một thời gian đầu tư. Xét về bối cảnh tại Việt Nam, các nhà đầu tư thường yêu thích các startup đã có chỗ đứng nhất định, được một số khách hàng biết đến, thương hiệu đã xây dựng thành công gần như 50% và có nhiều tiềm năng khai thác hơn là các doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu từ con số 0.

Và để thu hút được các nhà đầu tư cũng như xây dựng nguồn vốn vững chắc cho doanh nghiệp của mình, các công ty, doanh nghiệp luôn không ngừng nỗ lực đầu tư cho các hoạt động tiếp thị, dịch vụ, sản phẩm của mình để đạt chất lượng tốt nhất. Bạn có thể tham khảo thêm trong bài viết: Top 7 cách gây quỹ cho các công ty start-up (Phần 2)

“Tại Việt Nam, số lượng quỹ đầu tư không nhiều, và họ cũng thường kỳ vọng startup phát triển đến một mức nhất định rồi mới đổ tiền vào. Nếu ở Mỹ, startup chứng minh bằng ý tưởng thì ở Việt Nam, startup phải chứng minh bằng con số”, ông Phạm Kim Hùng – nhà sáng lập Tech Elite chia sẻ.

2 – Khó tìm kiếm nguồn nhân sự chất lượng

Đối với các ứng cử viên giỏi trên con đường tìm kiếm công việc phù hợp cho mình, họ thường đặt ra các tiêu chí khắt khe về chính sách đãi ngộ, bản chất công việc, vị trí làm việc cũng như mức lương bổng hợp lý. Do đó, với mô hình của các công ty hay doanh nghiệp startup, thường bạn sẽ rất khó để tìm được đội ngũ nhân viên chất lượng, chịu sát cánh đối mặt với những rủi ro cùng với mình. Hoặc giả nếu có, thì thường bạn cũng sẽ phải đầu tư một phần chi phí khá cao để giữ chân đội ngũ này.

Nhiều doanh nghiệp, công ty startup hiện nay tiến hành chính sách tiết kiệm cho việc đầu tư nhân sự, chỉ tuyển chọn các bạn sinh viên thực tập, sinh viên mới ra trường hay trả mức lương thấp, với chính sách này doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí, tìm được một đội ngũ làm việc cho mình trong thời điểm hiện tại, nhưng nếu nói về chất lượng thì vẫn cần nhiều cải thiện, chưa chắc chắn. Chưa kể, đội ngũ nhân viên đi theo các đặc điểm này thường không có sự ổn định, lâu dài. (như các bạn sinh viên sẽ ngưng cộng tác sau quá trình thực tập, những bạn mới ra trường sẽ có ý định ra đi sau khoảng vài tháng hoặc một năm học hỏi kinh nghiệm)

Vì thế, vấn đề về nhân sự được xem là bài toán hóc búa và cũng là một trong các khó khăn khi khởi nghiệp của các công ty startup.

Một nhân sự chất lượng luôn có yêu cầu cao về mức thu nhập, họ chỉ chấp nhận mức lương bình thường khi có một số điều kiện khác thúc đẩy họ như người lãnh đạo giỏi, sản phẩm thực sự có tiềm năng lớn hoặc họ có khả năng sở hữu một phần doanh nghiệp.

3 – Thiếu kiến thức và kinh nghiệm

Khi bắt đầu tiến hành khởi nghiệp hoặc xây dựng mô hình kinh doanh trong bất kì lĩnh vực nào, bạn chắc chắn sẽ phải trang bị những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực đó. Tuy nhiên, một vấn đề hay gặp phải ở các startup Việt là không trang bị hoặc không cập nhật đầy đủ kiến thức.

Một vấn đề hay gặp phải ở các startup Việt là không trang bị hoặc không cập nhật đầy đủ kiến thức thường xuyên
Lấy ví dụ nếu như bạn triển khai một công ty chuyên về thiết kế web hoặc các lĩnh vực về công nghệ thông tin, sáng tạo, bạn sẽ luôn phải cập nhật những xu hướng thiết kế mới nhất, các công nghệ phát triển tối ưu nhất. Nếu doanh nghiệp của bạn quen với các đường lối cũ trong khi đối thủ của bạn lại có những công nghệ tiên tiên hơn, bạn nghĩ rằng khách hàng sẽ ưu ái và có tâm lý sử dụng dịch vụ của công ty nào hơn?

Trong nhiều bài báo và tiểu luận, giới khởi nghiệp còn được khuyên tìm kiếm sự giúp đỡ ở những phần việc mình không giỏi và học hỏi từ đồng nghiệp, từ mentor (người hướng dẫn) và sách vở.

Theo tạp chí DoanhnhanSaiGon, ông Ngô Xuân Huy – đồng sáng lập Money Lover cũng khuyến khích các bạn trẻ hãy dành từ 3 đến 5 năm đi làm trong các công ty, tập đoàn để học hỏi chuyên môn, kỹ năng mềm và nắm bắt thị trường trước khi tính đến xây dựng mô hình khởi nghiệp.

4 – Áp lực thời gian

Các nhà đầu tư thường thiếu kiên nhẫn, họ muốn doanh nghiệp nhanh chóng tạo ra lợi nhuận vì vậy áp lực thời gian vô cùng lớn cho các doanh nghiệp startup. Chính vì vậy nó thường dẫn đến sự thiếu chính xác trong các quyết định bởi bạn phải đưa nó trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi.

Chưa kể, khi tiến hành mở một công ty, thời gian chuẩn bị càng dài nhưng không thu về lợi nhuận sẽ làm cho con số lỗ vốn càng lớn, nếu bạn cứ phải bù đắp cho những hao hụt, tổn thất trong thời gian quá lâu, doanh nghiệp của bạn sẽ khó lòng cầm cự nổi. Cũng chính vì lý do này mà nhiều công ty startup hiện nay luôn đặt mục tiêu hay các target là thu được lợi nhuận trong ít nhất 2-3 tháng đầu hoạt động.

Vì vậy, một người lãnh đạo giỏi cần biết cách sắp xếp thời gian khoa học, tập trung sức lực để hoàn thiện một công việc, một mục đích cụ thể. Đây không chỉ là một khó khăn mà còn là một thách thức lớn đối với các bạn trẻ mới bắt đầu khởi nghiệp, xây dựng công ty riêng.

5 – Khả năng ra quyết định

Bạn có thể tin hay không, nhưng điều này có thể xem là thách thức khó khăn nhất trong số những điều được nêu ra. Mỗi người chủ doanh nghiệp buộc phải có hàng trăm quyết định mỗi ngày từ lớn tới nhỏ, ví dụ như từ quyết định cơ cấu công ty cho đến giờ làm việc.

Khả năng ra quyết định

Mệt mỏi vì ra quyết định là một hiện tượng có thật mà hầu hết những doanh nhân khởi nghiệp đều phải trải qua nếu họ không chuẩn bị cho những mức độ áp lực mới.

Do vậy, nếu bạn đã và đang có ý định triển khai một mô hình kinh doanh startup mới, bạn nên chuẩn bị tinh thần trước cho việc mình sẽ phải quyết định khá nhiều thứ, phải làm thế nào để đưa ra quyết định đúng hay rủi ro và cách giải quyết các quyết định sai…

Mặc dù đối mặc với nhiều khó khăn, tuy nhiên trên thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp startup từng bước một vượt qua những khó khăn, thách thức và giành được vị trí nhất định trên thị trường, trở thành một trong các doanh nghiệp mới tiềm năng trong lĩnh vực riêng của họ. Nếu bạn vẫn ấp ủ dự định startup, chúng tôi khuyên bạn không vì những khó khăn có thể nhìn thấy trước mà nản lòng, hãy có chiến lược cụ thể để khắc phục những thử thách này, từng bước tiến gần hơn đến thành công.

Rate this post